Người tiêu dùng đã bớt hào hứng trong việc săn khuyến mại trên mạng mà chỉ tập trung mua những gì có nhu cầu với giá tốt.
Mùa mua sắm cao điểm cuối năm đã bắt đầu bằng chương trình khuyến mại 11-11 vừa diễn ra ở khắp các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Tuy vậy, khác với những năm trước, không khí mua sắm trong “ngày mua sắm độc thân 11-11” năm nay không còn quá nhộn nhịp với cả người bán lẫn người tiêu dùng.
Không như mong đợi
Anh Nguyễn Đình Vui (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết đã “nhắm” một số sản phẩm thuộc thương hiệu thời trang thể thao D. của Pháp từ đầu tháng 11 và chỉ đợi đến ngày giảm giá 11-11 để mua.
“Tới ngày khuyến mại, họ tung ra chương trình giảm sâu đến 50% gần 1.000 sản phẩm và kéo dài hơn 10 ngày nhưng những mặt hàng tôi dự định mua hoặc không có size (kích cỡ) vừa hoặc không khuyến mại nên tôi quyết định không mua gì thêm. Tôi đoán đến Noel hay Tết Dương lịch họ sẽ khuyến mại tiếp nên đợi xem sao” – anh Vui chia sẻ.
Còn chị Mai Ngọc Hà (ngụ quận Tân Phú, TP HCM) cũng đã chọn sẵn một số mặt hàng công nghệ trong giỏ hàng và đợi dịp khuyến mại để kết hợp nhiều chương trình giảm giá gồm: giảm giá trực tiếp, mã giảm của sàn, mã giảm của shop kèm miễn phí vận chuyển. Tuy nhiên, do mức giảm giá không như mong đợi, cộng thêm tình hình thu nhập không mấy khả quan nên chị không ngồi hàng giờ trước máy tính hay điện thoại để “săn sale” như trước để tránh mua sắm quá đà.
Nhiều tín đồ mua sắm cũng phản ánh ngày mua sắm độc thân 11-11 trên các sàn TMĐT năm nay không thu hút bằng những năm trước. Lý do là khuyến mại trên các sàn không thực sự hấp dẫn. Một phần cũng do kinh tế khó khăn, nhiều người có xu hướng thắt chặt chi tiêu, chỉ mua sắm những món đồ thực sự cần thiết. Khi những món hàng mình cần không giảm giá, họ cũng bỏ luôn ý định “săn sale” vì hầu hết những món hàng giá rẻ săn được đều ít khi dùng tới, “vừa tốn tiền và lãng phí”.
Ngoài ra, tình trạng sale ảo, bán hàng nhái – giả, chậm giao hàng trong những lần khuyến mại trước cũng dần khiến người tiêu dùng quay lưng.
Doanh số giảm?
Thực tế, những con số về ngày 11-11 mà các sàn vừa công bố không mấy nổi bật so với các năm trước. Như Shopee tổng kết sự kiện “Siêu sale 11-11” năm nay và cho biết chương trình đã giúp người dùng tiết kiệm hơn 123 tỉ đồng nhờ các ưu đãi.
Các hoạt động mua sắm kết hợp giải trí được đông đảo người dùng hưởng ứng với 125 triệu lượt xem trên Shopee Live. Lượng đơn hàng đặt qua Shopee Live tăng gấp 13 lần; các nhà bán hàng địa phương lần đầu tham gia sự kiện có đơn hàng tăng gấp 8 lần so với ngày thường.
Trong khi cùng sự kiện này năm ngoái, Shopee công bố đã thiết lập kỷ lục với khoảng hơn 2 tỉ mặt hàng được bán ra và những nhà bán hàng lần đầu tiên tham gia “siêu sale” đã chứng kiến số lượng đơn hàng tăng gấp 18 lần.
Còn Lazada đến ngày 15-11 vẫn chưa công bố số liệu tổng kết của đợt siêu khuyến mãi 11-11 nhưng cho biết trong 2 giờ đầu tiên diễn ra sự kiện, doanh thu tăng gấp 75 lần so với ngày thường. Trong khi vào chương trình này năm ngoái, Lazada công bố doanh thu và số đơn đặt hàng trên toàn sàn tăng gần gấp 2 lần; số lượng thương hiệu, nhà bán hàng tham gia cũng tăng gấp 1,5 lần so với lễ hội mua sắm 11-11 năm 2020.
Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc marketing Haravan (công ty cung cấp giải pháp TMĐT và bán lẻ), đánh giá đợt siêu khuyến mại 11-11 năm nay, nhìn chung cộng đồng bán hàng online đều có doanh số tốt hơn ngày thường nhưng lại giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Lý do, độ nhận diện đợt khuyến mại 11-11 năm nay không cao bằng các năm trước vì các sàn ít tổ chức các hoạt động quảng bá, ít ngân sách tài trợ cho nhà bán (tặng mã giảm giá cho khách hàng, hỗ trợ vận chuyển…) nên các khuyến mại ít hấp dẫn người tiêu dùng hơn.
Về phía người tiêu dùng, do ảnh hưởng kinh tế khó khăn nên không mạnh tay mua sắm. Nét mới của năm nay là hình thức livestream (phát trực tiếp) bán hàng nở rộ, các sàn phát từ sáng đến khuya vẫn có người xem và “chốt đơn” liên tục. Ngoài ra, TikTok tuy mới tham gia TMĐT nhưng năm nay hoạt động khá mạnh, thu hút được nhiều người mua, là kênh bán hàng hiệu quả hơn” – ông Tấn nhận xét.
Bớt mua sắm theo cảm xúc
Còn theo bà Hồ Lê Thảo Trinh, người sáng lập cộng đồng Lady Networking (hỗ trợ phụ nữ quản lý tài chính cá nhân), sau nhiều năm mua sắm theo cảm xúc dẫn đến chi tiêu quá tay, nhiều phụ nữ đã rút ra được nhiều kinh nghiệm. “Đó là, luôn ghi ra những gì cần mua và mua theo những gì đã ghi. Khi mua hàng online, cứ chọn đồ mình thích và để đó vài hôm sau xem lại, nếu thấy vẫn cần thì mới chốt đơn. Thực tế, với nhiều món hàng, đặc biệt là dụng cụ nhà bếp, nhiều món được mua vì đẹp và rẻ nhưng khi dùng thì không hữu dụng, lại phải tìm người để cho hoặc bỏ đi, rất lãng phí. Do đó, việc mua sắm nên tập trung vào chất lượng thay vào số lượng khi các gia đình ngày nay có ít không gian để chứa đồ” – bà Trinh tư vấn.
Người lao động