Khi các Tiktoker thành doanh chủ: Bài học đáng học hỏi về xây dựng thương hiệu cá nhân

0
107
Nhanh chóng sở hữu hàng trăm nghìn lượt theo dõi là lợi thế để nhiều Tiktoker lấn sân sang kinh doanh. Nhưng đằng sau đó là bài học nổi bật về xây dựng thương hiệu cá nhân.

Nhờ những video chia sẻ cách làm món ăn lành mạnh, Nguyễn Ngọc Khánh đã có lượng theo dõi khủng và dễ dàng bán hàng khi cho ra mắt thương hiệu sản phẩm Wise Food. Ảnh: T.L.

Từ thích chuyển sang tin

Sự bùng nổ của các mạng xã hội kéo theo việc xây dựng thương hiệu cá nhân vì thế trở nên dễ dàng hơn. TikTok, nền tảng mạng xã hội mới nổi, giúp rất nhiều nhân vật “nổi tiếng sau một đêm”. Và cũng tận dụng hình ảnh cá nhân nổi bật, nhiều TikToker nhanh chóng lấn sân kinh doanh, cho ra mắt thương hiệu, sản phẩm của mình.

Nguyễn Ngọc Khánh (sở hữu kênh Ngọc Khánh Đây), cô nữ sinh Đại học Bách Khoa Hà Nội, nổi tiếng với các video chia sẻ về chế độ ăn uống lành mạnh (eat clean) là một ví dụ.

Kênh TikTok của Ngọc Khánh hiện nhận được hơn 670 nghìn lượt theo dõi. Năm ngoái, cô nàng cho ra mắt thương hiệu Wise Food, chuyên cung cấp các sản phẩm phục vụ cho lối sống lành mạnh như granola, trà gạo lứt, các loại hạt… và nhanh chóng trở thành “cơn sốt” với tín đồ yêu thích lối sống lành mạnh. Sản phẩm chủ đạo của Wise Food là Granola siêu hạt hiện đã có 50,5 nghìn lượt bán trên nền tảng TikTok.

“Không bao giờ nghĩ mọi người ủng hộ mình và Wise Food nhiều đến thế. Tháng thứ 2 sau khi mở bán đã quá tải đơn, tất cả các bộ phận phải xuống đóng hàng. Hai vợ chồng mình cũng ốm và phải truyền nước mất vài hôm. Tuần đầu tiên, hôm nào hai vợ chồng cũng phải 11 giờ đêm mới từ công ty về”, Ngọc Khánh chia sẻ trên một video TikTok.

Tương tự, NMT Vlog, kênh sở hữu 3,4 triệu lượt theo dõi, nổi tiếng với các video “hỏi đáp công bằng” trong một gia đình, cũng nhanh chóng chuyển hướng sang kinh doanh với thương hiệu “Ăn vặt bà Tuyết”. Ngày 8/2, thương hiệu chia sẻ, combo Đoạt mệnh (các sản phẩm ăn vặt gồm bánh gạo mật ong, đùi gà phô mai…) đã ghi nhận 44 nghìn lượt bán.

Rất nhiều Tiktoker khác cũng đang tích cực đưa sản phẩm ra thị trường như Huyền Huho với sản phẩm thịt trâu, thịt lợn sấy; Mẹ Rofi với các sản phẩm cho mẹ và bé… Có thể nói, việc xây dựng hình ảnh cá nhân thành công là con đường thuận lợi giúp các TikToker lấn sân sang kinh doanh khi sở hữu lượng người theo dõi khủng, dễ dàng chuyển đổi thành khách hàng tiềm năng.

Đây cũng là bài học cho doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số phát triển, việc tiếp cận với khách hàng thành công hay không phụ thuộc một phần vào việc tương tác giữa thương hiệu với họ trên nền tảng số.

Đó cũng là lý do nhiều chủ doanh nghiệp lớn như CEO King Coffee Lê Hoàng Diệp Thảo, CEO Sen Vàng Phạm Kim Dung, các Shark như Nguyễn Hòa Bình, Đỗ Thị Kim Liên… cũng tận dụng nền tảng này để đẩy mạnh thương hiệu cá nhân, tạo sự tương tác với công chúng, đồng thời cũng là khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp để phục vụ cho việc kinh doanh của họ.

Không bây giờ thì bao giờ

Nhiều chủ doanh nghiệp lớn tích cực tận dụng mạng xã hội để định vị thương hiệu cá nhân. Ảnh chụp màn hình.

“Tuyệt vời. Không còn thời điểm nào thích hợp hơn để xây dựng hình ảnh cá nhân trên TikTok bằng hiện tại. Nền tảng này tối ưu cho các nội dung organic (tự nhiên). Các nội dung về giải trí, nghệ thuật hoặc giáo dục cực kỳ được yêu thích”, bà Nguyễn Anh Trang, Giám đốc Sáng tạo MVV SNP, agency từng tư vấn cho nhiều thương hiệu lớn như Panasonic, Vivo, MobiFone, Vinhomes, SunGroup, Gamuda, VnPay,… chia sẻ về việc mọi người tận dụng mạng xã hội để xây dựng thương hiệu cá nhân.

Thực tế, thương hiệu cá nhân và thương hiệu doanh nghiệp có tác động qua lại với nhau. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận sự phát triển bùng nổ hoặc nhanh chóng sụt giảm khi hình ảnh cá nhân người đứng đầu lên hoặc xuống. Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs từng chứng kiến giá cổ phiếu giảm gần 3% ngay sau khi vị CEO Lloyd Blankfein của họ xác nhận đang bị ung thư.

Hay khi nhắc đến Steve Jobs, người ta nhớ ngay đến hình ảnh vị CEO trong trang phục quần jean và áo thun cao cổ, tại mỗi buổi ra mắt sản phẩm “táo khuyết” mới, với cách truyền đạt thông điệp đơn giản. Steve Jobs không chỉ là doanh nhân tài ba khi biến Apple thành thương hiệu điện thoại được săn lùng nhiều nhất, mà ông còn là một bậc thầy trong xây dựng thương hiệu cá nhân. Hình ảnh của vị CEO từng đi tìm từng viên gạch, mảnh gỗ để ốp trong cửa bán bán lẻ Apple khiến người ta cảm nhận được sự tinh tế, tỉ mỉ trong sản phẩm thiết bị di động mà ông thiết kế.

Tuy nhiên, hiện mạng xã hội phát triển với quá nhiều sự lựa chọn như Facebook, Instagram, Zalo, Tiktok, Linkedin, Twitter,… Câu hỏi đặt ra là có nên chỉ tập trung vào 1 nền tảng, xây 1 căn nhà hay không? Câu trả lời của bà Nguyễn Anh Trang là “có” và “không”.

“Có” nếu bạn đang mới bắt đầu, không đủ nguồn lực và thời gian để đầu tư cho các nền tảng khác. 1 nền tảng là đủ. Tưởng tượng bao nhiêu người đang hoạt động tích cực trên 1 nền tảng mạng xã hội trong 1 thành phố? Chỉ cần bạn tiếp cận được 1% đã là rất nhiều.

Còn nếu bạn có khả năng thì tại sao “không”. Các nội dung có thể nhân bản trên các nền tảng, đỡ mất công. Bạn có thể tiếp cận các nhóm khách hàng khác nhau.

Cũng theo bà Nguyễn Anh Trang, hình mẫu thương hiệu, rất phổ biến với các doanh nghiệp khi làm định vị. Với thương hiệu cá nhân, cũng có hình mẫu.

The Outlaw – Kẻ nổi loạn, thích sự phá cách, không thích quy luật, suy nghĩ đi ngược với số đông, hình ảnh cá tính, bụi bặm, thu hút.

The Sage – Nhà hiền triết, thông thái, kiến thức, kinh nghiệm, luôn đưa ra thông tin, kiến thức, lời khuyên. Hình ảnh sâu sắc, trầm lắng, chiêm nghiệm, đĩnh đạc.

The Jetster – Kẻ bay lượn, biến hoá khôn lường, sáng tạo. Luôn tràn ngập sự tích cực, bất ngờ và thú vị.

The Lover – nhẹ nhàng, thi vị, nhiều cảm xúc. Yêu cái đẹp, dễ dàng rung động.

Tuy nhiên, theo bà Trang, không có một quy chuẩn nào đánh giá hình mẫu này hay hơn hình mẫu khác. Hay không có tiêu chuẩn nào bắt buộc mọi người lựa chọn hình mẫu phù hợp với bản thân. Điều quan trọng, mọi người phải có hình mẫu nhất quán theo đuổi xuyên suốt, không thể “sớm nắng chiều mưa”, nhất là giai đoạn đầu tiên.